Tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt nhiều thành tựu quan trọng

THL-1

Sáng 11-7, tại TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành TCCNN dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã có 12 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện TCCNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau hai năm triển khai, toàn vùng đã chuyển gần 80 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng rau, đậu tương và các loại hoa màu khác. Nhiều diện tích chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, trung bình tăng từ 20% đến 30%. Các tỉnh, thành phố đã quy hoạch cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và chọn một số cây trồng chủ lực, có lợi thế để ưu tiên phát triển theo hướng VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong vụ lúa đông xuân 2014-2015, các địa phương đã lập kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn quy mô gần 170 nghìn ha, diện tích hợp đồng thu mua đạt 47%. Ðến nay, diện tích lúa thu hoạch bằng máy đạt bình quân 96%.

Các địa phương đã chọn được vùng và vật nuôi chủ lực của từng vùng để tập trung phát triển chăn nuôi; lựa chọn, phê duyệt 142 dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Toàn vùng có hơn 620 nghìn ha nuôi tôm, sản lượng hơn 475 nghìn tấn; gần 6.600 trang trại; 1.200 HTX, chiếm 11,5% số HTX cả nước. Tính đến cuối năm 2014, bình quân mỗi tỉnh có 1.367 tổ hợp tác nông nghiệp, tăng 163 tổ so với năm 2013. Mô hình liên kết sản xuất theo hợp đồng đã tác động tích cực đến từng xã viên HTX, các tổ hợp tác và doanh nghiệp. Ðã hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những thành tựu qua hai năm triển khai thực hiện TCCNN của các tỉnh ÐBSCL, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của các địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét. Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, sản xuất nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng sẽ gặp phải sức ép tương đối lớn trong cạnh tranh ngay trên sân nhà, ngay trong những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế như: lúa gạo, thủy sản và rau màu… Do đó nếu TCCNN không thành công, chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà, và thực tế này cũng đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo TCCNN cấp tỉnh để điều hành quá trình thực hiện TCCNN; rà soát lại các quy hoạch và các vùng chuyên canh để tập trung đầu tư; cần quan tâm nhiều hơn về cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình TCCNN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó tập trung vào khâu chọn giống; tăng cường kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là nâng cao trình độ quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo các HTX..

viVietnamese